"Muốn hoạt động được phải có lửa."

Cô Lương Hồng Nga - Người mẹ đỡ đầu của FOBIC

FOBIC ra đời để đáp ứng mong mỏi của các bạn sinh viên

Khi thành lập CLB tôi đang là Bí thư LCĐ của Viện, trên tinh thần khuyến khích các bạn sinh viên đưa ra ý tưởng và thực hiện ước mơ của mình. Theo tôi, bất kỳ tổ chức nào khi thành lập cũng phải đưa vào nhu cầu hay mong muốn của những đối tượng sẽ tham gia vào nó, và những đối tượng đó nên là một số đông. Ý tưởng thành lập CLB hồi đó cũng vậy, dựa vào nhu cầu của sinh viên các năm đầu cũng như các năm cuối muốn biết sâu hơn về chuyên ngành, muốn được trực tiếp thực hành, trực tiếp nhìn thấy sản phẩm của mình được áp dụng, rồi các sinh viên năm thứ 2, 3, 4 muốn được tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, muốn nắm vững về chuyên ngành…và FOBIC thành lập để đáp ứng những mong muốn đó.

Người sáng lậpCô Lương Hồng Nga

Ngoài ra, xuất phát từ thực tế là nhiều sinh viên mình ra trường còn lúng túng trong các kỹ năng xã hội nên ngoài việc giúp các bạn giỏi chuyên môn, CLB còn phải giúp các bạn giỏi toàn diện, phải biết các kỹ năng khác trong cuộc sống (ví dụ như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lập dự án, kỹ năng quản lý thời gian, nữ công gia chánh…)

Vì vậy chương trình hoạt động đưa ra đầu tiên của CLB bao gồm cả hai nội dung: kỹ năng chuyên môn và kỹ năng xã hội.

Những khó khăn ban đầu khi thành lập CLB

Với tôi, khó khăn lớn nhất đưa ra là chương trình hoạt động và thống nhất với toàn bộ các thành viên trong LCĐ cho phép thành lập CLB và duy trì hoạt động của nó như thế nào. Vì chưa có một CLB chuyên ngành như thế trong trường bao giờ nên còn rất nhiều hoài nghi từ các phía.

Đề cương hoạt động đầu tiên chưa đầy đủ, nhưng sau khi chỉnh sửa lại và được sự hỗ trợ của CLB Doanh nghiệp của trường ĐH Ngoại Thương do một anh tên là Hưng làm phó chủ tịch giúp đỡ các bạn đã có được đề cương tốt hơn. Căn cứ vào những hoạt động của các bạn sinh viên đề xuất chúng tôi phải bàn xem liệu các báo cáo chuyên đề sẽ tổ chức như thế nào, sản xuất các sản phẩm ở Phòng thí nghiệm có được sự hỗ trợ từ các thầy cô không, chương trình nâng cao kỹ năng mềm như thuyết trình sẽ được tổ chức như thế nào, may mắn thay những câu hỏi đó đều giải đáp được cả. Sau đó tôi mới quyết định cho thành lập.

Mới thành lập mọi thứ đều bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên các thầy cô giáo rất ủng hộ ý tưởng. Lãnh đạo Viện (lúc đó là PGS.TS Hà Văn Thuyết là Viện phó phụ trách Công tác sinh viên, thầy PGS.TS Nguyễn Xuân Phương vừa là BCH Công đoàn Viện vừa đại diện cho Đảng ủy Viện phụ trách Công tác sinh viên) rất nhiệt tình ủng hộ. Thầy PGS.TS Phạm Công Thành lúc đó làm trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm - Công nghệ sau thu hoạch cho phép làm thực hành tại phòng thí nghiệm. Các giảng viên (đặc biệt là cô Châu) và cán bộ PTN đã giúp đỡ rất nhiều trong các hoạt động sản xuất ở phòng thí nghiệm, về kỹ năng thuyết trình do kết hợp với Trung tâm Tâm Việt nên có những buổi đào tạo khá chuyên nghiệp, báo cáo chuyên đề thì tự các bạn sinh viên tổ chức với nhau trên tinh thần tự nguyện. Nhờ vậy CLB may mắn rất thành công ở những lần tổ chức đầu tiên, gây tiếng vang lớn và tạo đà cho những hoạt động tiếp theo. Các thành viên hồi đó rất hăng hái.


(Trích bài phỏng vấn trong Kỷ yếu Fobic 10 năm)